Thời gian qua, các sản phẩm OCOP của Duy Xuyên từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản… nên đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao uy tín và giá trị kinh tế.
Nhận thấy khả năng phát triển của cơ sở bánh Lợi Phổ (thôn An Lạc, xã Duy Thành), năm 2017 chính quyền địa phương và các ngành liên quan của huyện Duy Xuyên khuyến khích ông Huỳnh Tấn Ánh đăng ký tham gia chương trình OCOP.
Đến cuối năm 2020, sản phẩm bánh dẻo Lợi Phổ của hộ ông Ánh được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và đang phấn đấu nâng lên 4 sao. Kết quả này góp phần tăng thêm uy tín đối với sản phẩm, tạo cơ hội mở rộng thị trường.
“Ban đầu, cơ sở của tôi chủ yếu sản xuất các loại bánh truyền thống như bánh in bột nếp, bánh bắp, kẹo ú… để bán trong vùng. Dần dà cơ sở mở rộng quy mô sản xuất. Thời gian qua, tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 170 triệu đồng, để trang bị thêm các loại máy xay bột, máy ép bánh, lò sấy điện, máy đóng gói sản phẩm…, nhờ đó nâng cao năng lực sản xuất, mẫu mã sản phẩm.
>> Các địa điểm Du lịch Duy Xuyên hấp dẫn
Ông Huỳnh Tấn Ánh chia sẻ, gia đình ông gắn bó với nghề sản xuất bánh truyền thống, trong đó có bánh dẻo đã hơn 20 năm. Trước đây, ông Ánh thường sản xuất bánh vào các dịp lễ tết, được mọi người đón nhận và đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Nhận thấy đây có thể là hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế hộ, ông quyết định mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư lắp đặt trang thiết bị hiện đại để giảm sức lao động, rút ngắn thời gian sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày cơ sở cung ứng ra thị trường khoảng 400 sản phẩm bánh, doanh thu hơn 5,5 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động” – ông Ánh chia sẻ.
Cũng theo ông Huỳnh Tấn Ánh, ngoài các loại bánh truyền thống lâu nay, cơ sở Lợi Phổ còn đầu tư máy móc, sản xuất thêm sản phẩm mới là bánh dừa nướng. Và nay loại bánh này đã trở thành một trong những sản phẩm chủ lực giúp cơ sở duy trì sản xuất và đưa thương hiệu Lợi Phổ đi khắp các vùng miền trong nước.
Theo ông Ánh, nguyên liệu để tạo ra chiếc bánh dẻo chủ yếu là nếp, đậu xanh và đường. Trước tiên cho đường vào nồi, thêm chút nước rồi đun trên bếp, khuấy đều để đường tan hoàn toàn. Khi nước đường sôi thì múc bột nếp đổ vào, vừa đổ vừa khuấy thật đều tay. Tiếp tục chuẩn bị một thau nhôm sạch để đổ hỗn hợp bột ra cho nguội. Khi bột đã nguội hẳn, lấy một ít bột nếp rắc đều lên mặt mâm rồi múc ra, lăn tròn để bột có hình dài. Cuối cùng, xếp bánh ra đĩa rồi sau đó đóng vào bao bì đưa ra thị trường tiêu thụ. Người tiêu dùng rất thích khi thưởng thức bánh bởi sự mềm dẻo, thơm ngon từ hương vị hòa quyện của các loại nguyên liệu.
“Bánh dẻo của cơ sở tôi luôn có màu sắc, hương vị riêng biệt so với những sản phẩm ở nơi khác, nhất là đảm bảo được về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng 400 sản phẩm bánh, doanh thu hơn 4 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 180 – 220 nghìn đồng/người/ngày” – ông Ánh chia sẻ.
Hiện nay, sản phẩm bánh dẻo Lợi Phổ đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sở hữu trí tuệ và vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Để quảng bá cho sản phẩm, cơ sở đã chào bán qua nhiều kênh khác nhau, chủ yếu vẫn là bỏ mối cho các đại lý trên cả nước. Ngoài ra, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành nên sản phẩm thường xuyên tham gia trưng bày và bán hàng tại các gian hàng giới thiệu sản phẩm hay hội chợ thương mại ở tỉnh.
Ông Huỳnh Tấn Ánh cho biết thêm, cơ sở đang nỗ lực xây dựng sản phẩm bánh dẻo Lợi Phổ trở thành sản phẩm OCOP đạt ít nhất 3 sao cấp tỉnh năm 2020. Ông Ánh mong muốn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để đầu tư lắp đặt thêm trang thiết bị máy móc, nhất là khâu đóng gói bao bì, thiết lập mẫu mã để sản phẩm ngày càng bắt mắt, thu hút hơn, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, đảm bảo ổn định đầu ra của sản phẩm. Qua đó, vừa góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, vừa phát huy những giá trị của làng nghề làm bánh truyền thống An Lạc.
Nguồn : Báo Quảng Nam