Tổng hợp Các địa điểm du lịch Điện Bàn hấp dẫn

du lịch Điện Bàn

  Tổng hợp Các địa điểm du lịch Điện Bàn hấp dẫn

    Điện Bàn mảnh đất địa linh nhân kiệt nơi cách đây 405 năm có dinh trấn Thanh Chiêm, thủ phủ của Đàng Trong, một trong những chiếc nôi ra đời chữ quốc ngữ, nơi có thành tỉnh La Qua, nơi có nhiều danh nhân nổi tiếng, nhiều di tích lịch sử văn hóa. Huyện chủ trương xây dựng các di tích thành điểm giáo dục truyền thống yêu nước và là điểm du lịch văn hóa lịch sử. Huyện đã mở cuộc vận động nâng cấp Bảo tàng huyện, từng bước xây dựng Bảo tàng thành trung tâm lịch sử văn hóa của huyện và là điểm đến đầu tiên hấp dẫn của du khách, kết nối với xây dựng tuyến đường trung tâm hành chính huyện, sân vận động khu vực Bắc Quảng Nam với quy mô 10.000 chỗ ngồi để trong tương lai tỉnh chọn nơi này tổ chức các sự kiện văn hóa – thể thao – du lịch ở các huyện đồng bằng và miền núi phía tây bắc Quảng Nam. Những năm qua Điện Bàn đã tổ chức thành công các lễ hội với quy mô lớn như Lễ hội văn hóa – du lịch Điện Bàn, lễ hội Thanh Minh, Cầu Ngư, Lễ hội làng nghề truyền thống.

    Vùng cát ven biển Điện Dương – Điện Ngọc với những dự án lớn như khu nghỉ mát The Nam Hải (được bình chọn là khu du lịch biển đẹp nhất ở khu vực Đông Nam Á với lượng khách du lịch quốc tế đến với khu nghỉ mát ngày càng đông), sân Golf Điện Ngọc, khu Du lịch Kim Vinh, khu nghỉ mát cao cấp Bồng Lai v.v… Những dự án du lịch biển này đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng cát, mở mang phát triển kinh tế du lịch biển, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân trong và ngoài huyện.Du lịch Điện Bàn với các loại hình dịch vụ xe du lịch hoặc taxi Điện Bàn, có thể du lịch tự túc đến các địa điểm dưới đây.

»»  Xe du lịch Điện Bàn

1. Bãi tắm Hà My – Điện Dương

Bên cạnh đó huyện Điện Bàn còn đang xúc tiến xây dựng cơ sở hạ tầng khu bãi tắm Hà My – Điện Dương, nơi đang có sức thu hút du khách đến tắm biển, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi trong mùa nắng nóng, quy hoạch chi tiết để tiến tới xây dựng khu làng chài Hà My theo định hướng phát triển du lịch cộng đồng, quy hoạch khu bãi tắm Viêm Đông – Điện Ngọc để kết nối với khu bãi tắm Hà My tạo thành một chuỗi du lịch trên tuyến bờ biển.

. Bãi tắm Hà My - Điện Dương

Bãi Biển Hà My vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, vắng vẻ, sạch sẽ và rất thanh bình. 

Có vị trí khá thuận lợi khi nằm bên tuyến đường ven biển nối TP Đà Nẵng với phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), bãi biển Hà My cách núi ngũ hành sơn 6km thôi. Nơi này mang đúng những nét tuyệt đẹp của biển miền Trung, đó là những bờ cát trắng phau trải dài ngút tầm mắt, nước biển trong vắt, xanh một màu ngọc “cực quyến rũ” nhé.

. Bãi tắm Hà My - Điện Dương

Biển Hà My có vị trí thuận lợi, cách Hội An 7 km, cách TP Đà Nẵng 22 km

Đến Bãi Biển Hà My, bạn có thể trải nghiệm nhiều giờ trên bãi biển vì có những tán dừa mát mẻ, dịu dàng, lãng đãng ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên yên bình và thư thái. Thích nhất là chẳng phải bon chen đông đúc như ở các bãi biển nổi tiếng đâu nhé. Lắm khi thả mình hòa với thiên nhiên mà xung quanh chẳng một bóng người luôn, dễ chịu hết sức. Cùng gia đình, người thân, bạn bè xuống biển đắm mình vào làn nước mát trong, tha hồ đùa vui mà cảm tưởng như biển của…riêng mình vậy.

Hà My đẹp nhất vào buổi bình minh và lúc hoàng hôn. Khi mặt trời vừa ló dạng tỏa ánh bình minh hoặc cuối trời chiều khi những ánh nắng cuối cùng hắt lên từ mặt biển. Đây cũng là hai thời điểm ngư dân bắt đầu ra khơi và cập bến khiến không khí bãi biển rất vui nhộn. Vào những đêm bầu trời quang đãng, mặt biển Hà My đẹp kỳ lạ bởi ánh đèn nê ông từ hàng nghìn chiếc thuyền câu lung linh, rực rỡ trông như những thành phố hoa đăng trên biển.

»»  Xe Taxi Điện Bàn

2. Cơ sở chạm khắc gỗ Nguyễn Văn Tiếp

    Nguyễn Văn Tiếp là hậu duệ đời thứ 5 của một gia đình làm nghề mộc chạm khắc gỗ… Ông nội của ông từng là thợ mộc chạm trổ nổi tiếng ở làng Đông Khương xã Điện Phong, huyện Điện Bàn. Ông Tiếp được ông nội truyền nghề khi mới hơn mười tuổi. Khi đất nước hòa bình, trong những năm đầu kinh tế còn khó khăn, nghề mộc chạm trổ khó có đất sống, Nguyễn Văn Tiếp vẫn luôn trăn trở với suy nghĩ làm sao khôi phục làng nghề của quê mình hồi sinh, đó mới là con đường lâu dài, thỏa ý nguyện của đời mình. Đầu năm 1980, Nguyễn Văn Tiếp quyết chí dựng xưởng để làm nghề mộc. Thời đó, kinh tế khó khăn, sản phẩm mộc chạm trổ thì cũng ít người đặt hàng. Với phương châm “Lấy công nuôi nghề, lấy nghề làm nghiệp” nhờ đó, cơ sở mộc chạm trổ vượt qua tháng ngày gian khó… Dần dần, ông đứng ra nhận thầu những mặt hàng điêu khắc, chạm trổ khắp nơi.

 

– Địa chỉ: Thôn Đông Khương, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
– Ngành nghề sản xuất kinh doanh: Các sản phẩm từ gỗ như các con vật, liễn gỗ, tranh gỗ, đục bình gỗ và nhiều sản phẩm từ gỗ. Đây là một nghề truyền thống của gia đình ông Nguyễn Văn Tiếp.
– Về lao động:cơ sở có trên 30 lao động có tay nghề cao và có tâm huyết với  nghề.
– Thị trường tiêu thụ : trong và ngoài nước.

Cơ sở chạm khắc gỗ Nguyễn Văn Tiếp

    Với sự lao động bền bỉ và sức sáng tạo không ngừng, nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp đã được nhận nhiều giải thưởng: Sản phẩm tinh hoa Việt Nam 2003, Sản phẩm dự thi ấn tượng Quảng Nam 2003, Giải thưởng sáng tạo kiểu dáng sản phẩm GOLDEN V 2004-2005, Nghệ nhân làng nghề 2007.  Năm 2010  ông đạt danh hiệu doanh nhân tiêu biểu Bộ Công Thương và danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Nay ông đang được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Với niềm đam mê của mình, ông luôn mơ ước giữ cho nghề mộc mỹ nghệ truyền thống không bao giờ mai một.

3. Cơ sở chạm khắc gỗ Âu Lạc

    Các tác phẩm điêu khắc của Âu Lạc luôn khiến mình ấn tượng và cảm phục bởi độ tinh xảo, chi tiết sắc nét, tính thẩm mỹ và đặc biệt là sự tâm huyết của những người nghệ nhân khi thực hiện các tác phẩm. Họ thực sự đã thổi hồn vào những khối gỗ thô sơ trở thành những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời.

    Có thể nói Âu Lạc Gỗ Nghệ Thuật là công ty tiên phong trong lĩnh vực khai thác tiềm năng thể loại tranh gỗ (phù điêu) của Việt Nam ngay từ buổi đầu tạo dựng thương hiệu của 25 năm trước, tuy thể loại này đã có từ rất lâu đời, nhưng chưa được phát triển phong phú như bây giờ.

    Đứng trước mỗi tác phẩm của Âu Lạc, người thưởng thức không khỏi băn khoăn với những câu hỏi: Làm thế nào? Bao lâu? Ai? Những câu hỏi như thế luôn là niềm trăn trở khôn nguôi trước những bức tranh khổ lớn, tầng tầng lớp lớp chi tiết hay những pho tượng phật truyền thần chạm khắc tinh xảo, thẩm mỹ đến bất ngờ.

– Địa chỉ: Thôn Cẩm Phú – xã Điện Phong- huyện Điện Bàn – tỉnh Quảng Nam.

– Ngành nghề sản xuất kinh doanh: Các sản phẩm từ gỗ như : tượng, liễn, tranh, độc bình, và nhiều sản phẩm khác.
– Về lao động:cơ sở có trên 30 lao động có tay nghề cao và có tâm huyết với  nghề.
– Thị trường tiêu thụ : trong và ngoài nước. 

 

4. Cơ sở Gốm đỏ Lê Đức Hạ

    Lê Đức Hạ (làng Đông Khương, Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam) nổi tiếng ở Hội An do gắn cả cuộc đời của ông với những hòn đất. Người đàn ông 60 tuổi này suốt ngày hì hụi miệt mài với bùn đất nơi mảnh vườn nhỏ nằm sát bên sông.

    Cha ông Hạ là một nghệ nhân gốm nổi tiếng ở vùng sông Thu Bồn. Năm 1982, sau khi trở về từ chiến trường Campuchia, ông theo cha nhóm lửa bếp lò. Khi cha mất, ông dắt vợ vào làm cho một xí nghiệp sành sứ nhưng cơ chế bao cấp bị xóa bỏ sau đó khiến xí nghiệp nơi hai vợ chồng ông làm bị giải thể.

    “Tôi vẫn khao khát mở lò làm mỹ nghệ đất nung trong vườn nhà của ba tôi ở Điện Bàn. Có bao nhiêu tiền bạc ít ỏi tôi đổ ra xây một cái lò hộp tươm tất, gọi bạn bè cũ ở xí nghiệp đến làm, có cúng bái hẳn hoi” – ông chia sẻ.

    Hạ lưu sông Thu Bồn từ Hội An ngược lên Duy Xuyên, Điện Bàn là xứ sở của những làng nghề đi vào sử sách của Quảng Nam như ươm tơ dệt lụa, mộc mỹ nghệ… Nghề gốm còn khá nhiều, nhưng với đất nung thì không còn nhiều người đeo đuổi, Lê Đức Hạ là một trong ít người kiên trì theo nghề tới nay. 

– Địa chỉ: Thôn Đông Khương – xã Điện Phương- huyện Điện Bàn – tỉnh Quảng Nam.
– Ngành nghề sản xuất kinh doanh: Các sản phẩm từ gốm đa dạng về chủng loại và mẫu mã.
– Về lao động:cơ sở có trên 25 lao động có tay nghề cao và có tâm huyết với  nghề.
– Thị trường tiêu thụ :  trong và ngoài nước.



    Du lịch làng nghề – du lịch sinh thái sông nước là thế mạnh về phát triển du lịch của huyện. Huyện đã quy hoạch và xúc tiến xây dựng cụm du lịch làng nghề, hàng thủ công mỹ nghệ Đông Khương – xã Điện Phương, là điểm dừng chân của du khách trong hành trình di sản Hội An – Mỹ Sơn.

 

5. Làng đúc đồng Phước Kiều

    Điện Phương là chiếc nôi của làng nghề truyền thống nổi tiếng với làng đúc đồng Phước Kiều, nơi được tôn vinh làng nghề tiêu biểu Việt Nam. Cồng chiêng, sản phẩm truyền thống 400 năm của dân làng Phước Kiều, đã góp phần làm nên không gian cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Mỗi lần du khách về với Điện Bàn – Điện Phương đều tìm đến Đông Khương để xem các nghệ nhân làng đúc trình diễn các thao tác sản xuất, mua quà lưu niệm Phước Kiều,

    Làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều là làng đúc đồng truyền thống của tỉnh Quảng Nam đã ra đời vào đầu thế kỷ 17, sau khi Chúa Nguyễn đặt Dinh trấn Quảng Nam tại đất Thanh Chiêm, thuộc tổng An Nhơn Trung, huyện Diên Khánh (sau là Diên Phước), phủ Điện Bàn. Nằm bên cạnh Dinh trấn về phía tây, đối diện lỵ sở phủ Điện Bàn bởi con đường thiên lý Bắc Nam. Nay thuộc xã Điện Phương – thị xã Điện Bàn – tỉnh Quảng Nam.

    Theo các cụ cao niên của làng nghề đúc đồng Phước Kiều, làng có lịch sử hình thành từ khi Dinh trấn Quảng Nam (dưới thời Chúa Nguyễn Hoàng) đặt tại đất Thanh Chiêm vào đầu thế kỷ 17, tồn tại và phát triển than 400 năm qua. Sản phẩm của làng nghề vào giai đoạn sơ khai chủ yếu phục vụ cho các sinh hoạt lễ nghi, thờ cúng và phong tục tập quán, như lư đèn thờ, chuông, chiêng, súng đạn, nồi niêu, xoong chảo … 

    Dưới thời chúa Nguyễn (và triều Nguyễn), những nghệ nhân của làng nghề được triều đình gọi ra Phú Xuân tham gia đúc đỉnh, vạc, súng and cả ấn tín. Một số nghệ nhân đã được phong “Cửu phẩm đội trưởng” như cụ Cửu Thuyên (Dương Ngọc Thuyên), Xã Mãi (Trần Tạo), Xã Diêm (Trần Diêm), Cửu Thìn (Trần Văn Niên). Trọng quá trình đến Phú Xuân tham gia đúc đồng, các bậc tiền bối của làng Phước Kiều cũng đã hội nhập với phường đúc Huế để làm nghề, lập gia đình và tạo nên những tộc họ lớn gắn bó với nghề ở đây…

    Trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử đất nước, nhiều thế hệ nghệ nhân của làng nghề đúc đồng Phước Kiều vẫn giữ được ngọn lửa cho làng nghề. Đến giai đoạn sau ngày đất nước thống nhất, từ đó đến nay, nghề đúc đồng phát triển mạnh mẽ và ngày càng khẳng định được vị thế, uy tín của mình.
 

6. Làng nghề chiếu chẽ Triêm Tây

“Vào cuối thế kỷ XIX có mấy gia đình ở làng Phú Triêm, nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam sang ngụ cư tại đất An Phước thuộc huyện Duy Xuyên. Họ thấy dân chánh cư có nghề dệt chiếu hay quá bèn học hỏi  làm theo. Đến đời ông Lê Doãn Kiệt ở Phú Triêm lấy vợ là bà Trần Thị Hựu ở An Phước, sau đó ông Lê Doãn Kiệt lập nghiệp tại quê vợ.

    Nhưng do bồi lấp của sông Thu Bồn đã tạo nên một cồn cát tại Phú Triêm tục còn gọi là xóm Cồn đất đai khá màu mỡ. Thấy vậy, năm 1878 ông Lê Doãn Kiệt bèn vận động một số bà con là gốc Phú Triêm dọn về định cư tại xóm Cồn với tên gọi sơ khai là ấp Tân Lập, đó cũng là danh xưng ban đầu của Phú Triêm ngày nay. Nghề dệt chiếu cũng về theo và duy trì phát triển cho đến ngày nay.

Làng nghề chiếu chẽ Triêm Tây

Về nguyên liệu xưa nay người Triêm Tây tự trồng đay, lác để dệt chiếu, nhà nào cũng có một bó đay, bó lác trong nhà….Xưa dân làng dệt chủ yếu là 3 loại chiếu, đó là chiếu bông chữ thọ, chiếu Tầu và chiếu trổ bông bèo trong đó chiếu bông chữ thọ là khó dệt nhất, kế đến là chiếu Tầu. Người đầu tiên nắm vững kỹ thuật dệt chiếu bông thọ là ông Trần Luỹ, cháu vợ ông Lê Doãn Kiệt…..”

Làng nghề chiếu chẽ Triêm Tây

Trước đây 100% hộ trong làng tham gia làm nghề dệt chiếu và đan lác do ông cha để lại – Sau năm 1975 nhà nhà dệt chiếu, đi từng làng trên xóm dưới đều rực rở sắc màu chiếu cói đầy sân. Từ trẻ con đến cụ già đều tham gia sản xuất chiếu, chiếu dệt ra không kịp nhập kho đã có nhà nước thu mua phân phát.

 

7. Khám phá du lịch Me Xanh

    Nói đến Triêm Tây (Điện Phương, Điện Bàn) du khách thường nghĩ đến làng du lịch cộng đồng, nơi khung cảnh miền quê vẫn còn hiện diện khá hoang sơ qua những con đường quanh co rợp bóng cây hay những di tích, cảnh đẹp làng nghề. Tuy nhiên, từ hơn 2 tháng qua nơi đây đã xuất hiện thêm một điểm dừng chân hoàn toàn mới lạ: khu du lịch Me Xanh.

Khám phá du lịch Me Xanh

    Gọi là “khu” cho lớn chứ Me Xanh còn khá đơn sơ với những ngôi nhà tranh tre nằm vắt ngang qua dòng Lạch Quế. Khách đến có thể nghỉ ngơi, tham gia một số trò chơi dân dã như câu cá, chèo thuyền, đi xe đạp nước trên sông  hoặc sinh hoạt nhóm trong những ngôi nhà sàn tre, thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương như gà vườn, tôm, cá sông đồng… sau khi đã thăm thú quanh làng.

    Chủ nhân của khu du lịch, ông Võ Văn Khoa chia sẻ, ý tưởng thành lập điểm nghỉ ngơi này xuất phát khi Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây ra đời, đặc biệt khi cầu Cẩm Kim hình thành kết nối Triêm Tây với phố cổ, giúp khách thuận tiện hơn khi qua làng. Du khách đến làng ngoài thăm thú cảnh đẹp làng quê, làng nghề và cuộc sống người dân nơi đây muốn tìm chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt dường như chưa có. “Khu du lịch ra đời đã đáp ứng được nhu cầu nghỉ ngơi của đại bộ phận du khách về một điểm dừng chân trên hành trình khám phá của mình” – ông Khoa cho biết. Kể từ khi đi vào hoạt động, mỗi ngày đều có khách ghé đến tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, nhất là những dịp cuối tuần lượng khách luôn tăng vọt, có lúc lên đến gần 200 người.

Khám phá du lịch Me Xanh

    Điều khiến du khách thích thú khi đến Me Xanh chính là khung cảnh thiên nhiên trong lành, mát mẻ. Không gì sảng khoái bằng ngồi trên căn chòi tre thưởng thức những đặc sản địa phương trong làn gió mát dịu hơi nước từ dòng Lạch Quế thổi vào, lắng nghe tiếng cúc cù đuổi nhau của lũ chim và cu đất trên cồn Hến ngân vọng giữa trưa hè êm ả. Theo ông Khoa, sắp tới điểm du lịch sẽ được mở rộng lên phía trên cồn Hến, trồng các loại rau quả theo phương pháp hữu cơ nhằm phát triển mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái hướng tới phục vụ cho nhóm đối tượng khách thành phố và người nước ngoài…   

      

8. Làng nghề ẩm thực Bê Thui Cầu Mống

    Bê Thui Cầu Mống được xem là một đặc sản của xứ Quảng. Cầu Mống là một địa danh thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nổi tiếng khắp nơi nhờ món bê thui trứ danh. Đến Điện Bàn ngoài những món mỳ Quảng,  Hải Sản thì du khách không nên bỏ qua món ăn đặc sản, danh bất hư truyền Bê Thui Cầu Móng.

bê thui cầu mống

Vì sao món bê Thui ở đây lại ngon hơn hẳn những bê thui ở vùng khác? Bởi vì bê đem thui ở Cầu Móng được thui từ  bê 5 tháng và thui bởi loại cỏ dâu ở hai bên bờ sông Thu Bồn, nên miếng thịt càng thơm ngọt. Thịt bê thui ngon có màu đỏ hồng nhưng không sống, da vàng rộm mà không khô, không dai và không bị ám khói. Đây là điều đặc biệt của món Bê Thui Cầu Mống

bê thui cầu mống

    Một điểm nữa là cho món đặc sản Bê Thui Cầu Mống càng trở nên ngon, đậm đà và thu hút hơn đó là những thứ ăn kèm với thịt bê: Nước chấm, bánh tráng lề và rau sống.  Nước chấm phải được pha từ loại mắm cái thượng hạng làm từ cá cơm, cá nục đánh bắt ven biển miền Trung. Mắm cái sau khi gạn ép xác, lọc lấy nước mới cho thêm tỏi ớt, gừng xay, mè rang, chanh… vào cho vừa miệng. Rau sống là tổng hợp của các loại: tía tô, ngò thơm, xà lách, cải con, khế chua, chuối chát xắt mỏng, rau húng, rau quế, giá, và cả xoài xanh…Bánh tráng để cuốn bê thui phải là bánh tráng nhỏ, mỏng và dai được sản xuất từ trong các lò bánh danh tiếng ở Điện Bàn. Ngoài ra, một vài miếng bánh tráng nướng giòn điểm xuyến vào bữa ăn vốn là thói quen từ bao đời nay của người xứ Quảng.


Hai năm thực hiện Đề án phát triển du lịch với những kết quả ban đầu đã tạo được nhận thức mới về định hướng phát triển du lịch ở Điện Bàn. Thế nhưng, ngành du lịch trên vùng đất này vẫn còn nhiều thách thức lớn đòi hỏi phải có sự nhìn nhận và có cơ chế chính sách mở để đầu tư đúng mức hơn. Với Điện Bàn, du lịch được xác định là hướng đột phá nhằm chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng xây dựng huyện công nghiệp vào cuối năm 2010 và phấn đấu xây dựng thị xã giai đoạn 2011 – 2015. Du lịch Điện Bàn cần hướng đến việc tận dụng lợi thế về địa lý, về thị trường, về sức mạnh cộng đồng để đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Định hướng không gian không chỉ dừng lại ở các dự án mà du lịch phải lan tỏa đến các hộ gia đình, đặc biệt là phát triển mạnh mô hình du lịch cộng đồng.

 

Trả lời