Xây dựng thương hiệu lụa Mã Châu từ logo

làng lụa mã châu

Đưa tơ lụa Mã Châu cũng như Quảng Nam vào thị trường sâu hơn từ chuyện xây dựng logo – biểu tượng nhận diện thương hiệu và nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm đang được các tổ chức của Hàn Quốc hoàn thiện khâu cuối cùng…

lụa tơ tằm mã châu

 

Tơ lụa Mã Châu sẽ được xây dựng logo thương hiệu và nhãn hiệu để vươn ra thị trường. Ảnh: L.Q

Ý tưởng logo

Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Hiệp hội Thúc đẩy sáng chế Hàn Quốc (KIPA) vừa có buổi làm việc cùng chính quyền Quảng Nam về dự án chia sẻ sở hữu trí tuệ do Hàn Quốc tài trợ. Bà Won Huijae – Quản lý Phòng Hợp tác phát triển quốc tế thuộc KIPA, cho biết, thông qua Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), đã tiến hành những chuyến khảo sát tại Quảng Nam từ tháng 2.2017. Việc tìm kiếm giải pháp công nghệ phù hợp phục vụ phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống tơ lụa Mã Châu được hiện thực hóa bằng lắp đặt máy dệt lụa với khổ lớn để vận hành, chạy thử, giám sát máy, đề xuất nâng cấp thiết kế hoặc có sự điều chỉnh phù hợp. Dự kiến, tháng 10.2018, máy này sẽ được lắp đặt và vận hành tại Công ty CP Tơ lụa Mã Châu.

Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho lụa Quảng Nam sẽ được làm như thế nào để đưa thương hiệu tơ lụa phát triển mạnh mẽ? Bà Lee Jeeun – Giám đốc điều hành Dự án Heritage, chuyên gia về thương hiệu cho biết, phía Hàn Quốc đã tiến hành 7 loại khảo sát, ở 2 nhóm đối tượng là công chức, người dân Quảng Nam và cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc. “Chúng tôi muốn logo về làng lụa Mã Châu phải nêu lên được vẻ đẹp của người phụ nữ Mã Châu, cùng với đó là những giá trị văn hóa làm nên một sản phẩm tơ lụa” – bà Lee Jeeun nói. Trong khi đó, ông Lê Thái Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam, cho biết sau 20 năm sản xuất và kinh doanh, ngay cả công ty ông cũng đang loay hoay làm thương hiệu và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. “Logo phải mang tính hội nhập bởi phân khúc thị trường của lụa khác các dòng sản phẩm thời trang khác. Bám vào lợi thế so sánh về giá trị văn hóa, logo mang được đặc tính về nét văn hóa thì sẽ thành công” – ông Vũ nói.

lụa mã châu

Các mẫu mã biểu tượng thương hiệu cũng như nhãn hiệu nhận diện đều dựa trên hình ảnh về khung cửi, lá dâu, chữ S trong từ Silk – lụa, lẫn dải đất hình chữ S, chữ Q – đại diện cho vùng đất Quảng Nam. Xây dựng logo thương hiệu cùng với đó hình thành câu chuyện của sản phẩm và thuyết minh biểu tượng… sẽ được phía Hàn Quốc hoàn thiện và bàn giao khi kết thúc dự án cho người dân Mã Châu vào tháng 11.2018.

Vạch đường phát triển

Nhóm chuyên gia Hàn Quốc còn tổ chức tìm hiểu, nghiên cứu thị trường tơ lụa tại Hàn Quốc. Bà Won Huijae chia sẻ, sau nhiều lần khảo sát tại các chợ ở Hàn Quốc cũng như một số khu vực đô thị có đông người Việt Nam sinh sống, kết quả cho thấy đa số người tiêu dùng quan tâm giá cả của sản phẩm, trong khi lụa Mã Châu có mức giá cao hơn dòng lụa Hàn và Trung. “Các bạn cần có mức giá cạnh tranh giữa các dòng lụa, đa dạng hóa các sản phẩm, nên thêm dòng khăn, túi xách phù hợp với số đông người tiêu dùng hơn vải, cũng như nên quan tâm đến thiết kế bao bì” – bà Won Huijae nói thêm.

Ngoài việc cải tiến và đa dạng hóa sản phẩm, cuộc gặp giữa các bạn Hàn Quốc và Quảng Nam mở ra thêm nhiều phương cách phát triển để hồi sinh tơ lụa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết thêm, sự lựa chọn xây dựng hỗ trợ sản phẩm tơ lụa Mã Châu cũng như lụa xứ Quảng của Hàn Quốc rơi đúng vào định hướng phục hưng tơ lụa của Quảng Nam. “Việc phát triển làng nghề gắn với du lịch cũng như kế hoạch phát triển thương hiệu lụa xứ Quảng sẽ được chính quyền Quảng Nam nghiên cứu tập trung hoàn thiện cùng các chuyên gia Hàn Quốc với những bước đi cụ thể trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống có sẵn của địa phương” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói.

Nguồn : quangnam.gov.vn

 

Để lại một bình luận