Tìm hiểu về Khổng Miếu – Văn Thánh

Là nơi thờ đức Khổng Tử và tổ chức huấn học về tư tưởng Nho giáo. Với quần thể lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật độc đáo, hội tụ nét truyền thống văn hóa dân gian, dân tộc có niên đại hơn 300 năm bao gồm: Chánh điện, hậu điện, tháp chuông, tháp trống, hai dãy nhà cầu, nhà cổ dân gian Quảng Nam, cầu bắc qua hồ sen và cổng Tam quan. Đến tham quan du khách sẽ chiêm ngưỡng những nét đẹp tinh tế qua những nét điêu khắc chạm trỗ tinh xảo trên các cấu kiện gỗ, kiến trúc mỹ thuật họa tiết xây dựng tượng hình mô tả độc đáo trang trí ở cổng ngõ, tháp chuông, tháp trống, chính điện, hậu điện….

Văn Thánh-Khổng Miếu ở đường Phan Bội Châu, phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ. Khu di tích Văn Thánh- Khổng Miếu với quần thể di tích bao gồm chánh điện, hậu điện, tháp chuông, tháp trống, hai dãy nhà cầu, nhà cổ dân gian Quảng Nam, cầu bắc qua hồ sen và cổng Tam quan.

Đây là nơi thờ đức Khổng Tử và tổ chức huấn học về tư tưởng Nho giáo, với quần thể lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật độc đáo, hội tụ nét truyền thống văn hóa dân gian, dân tộc có niên đại hơn 300 năm.

Theo tài liệu sưu tầm được cũng như nội dung còn lưu lại trên bia đá, bia gỗ tại Văn Thánh- Khổng Miếu, để tỏ lòng thành kính Đức Khổng Tử và là nơi huấn học tôn thờ tư tưởng nho gia, đề cao việc học, tôn vinh các vị học rộng tài cao có công giúp dân, giúp nước, phát huy truyền thống hiếu học động viên, khuyến khích con cháu học tập, đầu năm 1840 các quan viên, chức sắc, nhân sĩ kính đơn lên huyện Hà Đông xin xây dựng và vận động các vị khoa bảng, cử nhân, chức sắc đóng góp tiền bạc xây dựng Văn Miếu. Ngày 14 tháng 6 năm Canh Tý, Minh Mạng thứ 21 (1840) khởi công xây dựng Văn Thánh tại xã Chiên Đàn (nay là trường THCS Trần Phú, huyện Phú Ninh). Đến ngày 20 tháng 1 năm Tân Sửu (1842) khánh thành.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử chiến tranh và sự tàn phá của thiên nhiên, nên khu Văn Miếu đã bị hư hỏng và xuống cấp, thể theo nguyện vọng của các chức sắc và nhân dân địa phương, các vị thân hào, nhân sĩ đương thời đứng ra quyên góp tiền bạc và di dời vào hướng nam khoảng 2 km, thuộc làng Mỹ Thạch, xã Kỳ Hương, tỉnh Quảng Tín (cũ) (nay là khu Văn Thánh- Khổng Miếu, phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Lễ khởi công vào tháng 5 năm 1963 đến tháng 6 năm 1970 hoàn thành, các hạng mục được trùng tu, phục dựng: Miếu chính, tháp chuông, tháp trống theo nguyên trạng và lấy tên là Khổng Miếu. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, di tích có tên đầy đủ là Văn Thánh- Khổng Miếu cho đến nay.

Các hoạt động
– Dâng hương, tham quan di tích

– Tìm hiểu về điêu khắc, kiến trúc chạm trổ trên các cấu kiện gỗ.
– Vào tháng Giêng, tháng 7 âm lịch thường diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian: đêm thơ Tết Nguyên Tiêu, hô hát bài chòi, các trò chơi dân gian.

Để lại một bình luận