1. Sơ Lược Về Bảo Tàng Hội An
Thông tin liên hệ:
Địa chỉ: Số 10B, Trần Hưng Đạo, Hội An, Quảng Nam
Điện thoại liên hệ: 0235 3861638
Thời gian mở cửa: 7h00 – 17h00 tất cả các ngày trong tuần
✱ Bảo tàng Hội An tọa lạc tại số 10B đường Trần Hưng Đạo. Hiện nay, Bảo tàng sử dụng một phần diện tích (khoảng 800 m2) để trưng bày 880 tư liệu, hiện vật gồm các phòng: Lịch sử – Văn hóa, Truyền thống Cách mạng, Hội An từ gian khó đi lên và Tranh về Hội An.
2. Phòng Trưng Bày Lịch Sử – Văn Hóa Tại Bảo Tàng Hội An
✱ Phòng trưng bày lịch sử văn hóa tại Bảo tàng Hội An có hơn 300 tư liệu, hiện vật giới thiệu mảnh đất và con người Hội An qua 3 thời kì: Tiền – Sơ sử, Champa, Đại Việt – Đại Nam.
✱ Đặc biệt tại không gian trưng bày thời kì Đại Việt – Đại Nam, các tư liệu, hiện vật đã minh chứng rằng Hội An là một Đô thị thương cảng quốc tế phát triển rực rỡ vào bậc nhất của cả nước và cả khu vực Đông Nam Á – là cơ sở kinh tế trọng yếu – là một trong những trung tâm giao lưu văn hóa quan trọng của các chúa Nguyễn và các vua triều Nguyễn ở Việt Nam.
3. Phòng Trưng Bày Truyền Thống Cách Mạng
✱ Phòng trưng bày truyền thống cách mạng tại Bảo tàng Hội An là nơi mang đến cho bạn những hiện vật, tư liệu về lịch sử cách mạng oai hùng của vùng đất phố cổ.
✱ Hội An là nơi sớm tiếp nhận chủ nghĩa Mác – Lê Nin và cũng sớm hình thành tổ chức tiền thân của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ngay từ tháng 10/1927 đã ra đời “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên” ở Hội An.
✱ Hội An là một trong số 4 địa phương tỉnh lỵ giành được chính quyền sớm nhất trong cả nước vào mùa Thu cách mạng Tháng 8 năm 1945. Nơi cùng với cả xứ Quảng lập nên chiến khu Nam – Ngãi nổi tiếng đánh Pháp năm xưa; rồi đến những năm tháng “Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ” để cùng với quân dân cả nước lập nên đại thắng mùa xuân năm 1975.
4. Phòng Trưng Bày Hội An “Từ Gian Khó Đi Lên”
✱ Với hơn 100 tư liệu, hiện vật, phòng trưng bày “Hội An từ gian khó đi lên” giới thiệu về Hội An từ những năm sau ngày giải phóng 1975 đến trước đổi mới 1986. Trong niềm vui khi đất nước được hòa bình, gia đình được đoàn viên, sum họp là bao nỗi lo toan, trăn trở trước những hậu quả của chiến tranh để lại. Ruộng vườn, làng mạc điêu tàn, hoang hóa, hàng chục nghìn lao động không có việc làm, đói ăn, thiếu mặc. Đối mặt với những khó khăn, thách thức ấy, các tầng lớp nhân dân, đội ngũ cán bộ Hội An nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, xiết chặt tay nhau để ổn định cuộc sống, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội.
5. Phòng Trưng Bày Tranh Tầng 3
✱ Phòng trưng bày tranh được bố trí tại tầng 3 của Bảo tàng Hội An, với diện tích 150 m 2 trưng bày 38 tác phẩm của các tác giả nổi tiếng trong nước như: Hà Lý, Lưu Công Nhân, LôKa, Nguyễn Văn Ký, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Phi Long …và 1 tác giả người Nhật Bản là Goto Katsumi.
✱ Những bức tranh ở đây được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, sơn mài, bút sắt, bột màu, sơn xịt, thuốc nước trên giấy, màu nước … Với sự quan sát và cách nhìn tinh tế, các tác giả đã khắc họa một cách đậm nét về cảnh đẹp thiên nhiên, những góc phố rêu xanh, những con đường nhỏ và cuộc sống sinh hoạt đời thường của con người Phố Hội.
Ở Hội An, bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An nổi tiếng là một điểm đến thu hút khá nhiều du khách trong lẫn ngoài nước. Đến đây để hiểu hơn về văn hóa, truyền thống và nét đẹp của dân tộc ta. Nơi đó còn là dấu ấn của sự sáng tạo và cống hiến. Đừng quên chia sẻ với chúng tôi những hình ảnh cũng như cảm nhận của bạn khi đến tham quan địa điểm này nhé!